“Sử thi là di sản, tài nguyên văn hóa, nguồn lực tri thức của một dân tộc hay cộng đồng dân tộc; phản ánh thế giới tự nhiên, quy luật vận động của tự nhiên, đời sống xã hội, huyền thoại lịch sử bằng những diễn kể chân thực, sinh động. Sử thi thể hiện những triết luận về cuộc sống, trình độ phát triển của một nền văn hóa và khát vọng vươn tới các giá trị cao đẹp của con người”. Tác giả Nguyễn Văn Kim đã viết như vậy và cũng đã lựa chọn hướng đi ấy cho công trình nghiên cứu “Huyền thoại về một vùng đất: Không gian văn hóa Tây Nguyên qua sử thi Ê-Đê” của mình. Đó là hướng đi tìm về cội nguồn của những huyền thoại, phân tích chuyên ngành và liên ngành để hiểu về một không gian văn hóa đầy hùng tráng. Bằng những điều tra thực tế trong suốt nhiều năm, tác giả đã phân tích ra các tâm thức có sâu trong nền văn hóa của vùng đất Tây Nguyên, điển hình là những biểu hiện về không gian sinh tồn; về các quan hệ kinh tế, văn hóa trong nghề dệt, chiếc ché, luật tục; và cuối cùng kết luận lại bởi tính huyền thoại và chân thực của sử thi Tây Nguyên.

Bìa cuốn sách”Huyền thoại về một vùng đất: Không gian văn hóa Tây Nguyên qua sử thi Ê-Đê”

Qua nghiên cứu các sử thi Dăm San, Dăm Di, Chilokok, GS, TS Nguyễn Văn Kim đã đề cập tới các vũ khí làm bằng kim loại của những người hùng cho tới những đồ trang sức của các cô gái như đồng bạc, đồng vàng… đây chính là biểu hiện rõ nét của thời đại kim khí trong dòng phát triển của xã hội loài người. Hay đó còn là sự khám phá ra một không gian núi rừng, nương rẫy và buôn làng rộng lớn, nơi những người Ê Đê liên kết với nhau, xây dựng lên “hàng trăm nóc nhà” nhằm chống thú dữ và sự xâm nhập của những người lạ mặt. Ngoài ra, góc nhìn mới mẻ của tác phẩm còn nằm ở việc tác giả đã phát hiện ra và phân tích một cách sâu sắc về quan hệ kinh tế, sự phát triển của giao thương buôn bán qua sử thi của người Ê Đê. Điều này cho thấy rõ, vùng đất cao nguyên này vốn không phải một nơi tách biệt với vòng tuần hoàn khép kín, mà đây chính là một vùng đất mở, “một không gian văn hóa mở bởi những động lực thôi thúc bên trong, yếu tố nội sinh và cả những ảnh hưởng, giao lưu văn hóa trực tiếp, gián tiếp với thế giới bên ngoài”.

Có thể nhận thấy “Huyền thoại về một vùng đất: Không gian văn hóa Tây Nguyên qua sử thi Ê-Đê” là một công trình nghiên cứu nghiêm túc và công phu. Đó là sự kết hợp của việc phân tích, tổng hợp những nền tảng văn hóa truyền thống vốn đã thấy trong sử thi Ê Đê với việc luận giải tới những yếu tố mới như kinh tế, tiềm lực phát triển của vùng đất này. Những phân tích, tiếp cận đó góp phần hướng tới những nhận thức ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn về sử thi Ê Đê, một bộ phận hợp thành của sử thi Tây Nguyên và di sản của không gian văn hóa Trường Sơn-Tây Nguyên.

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân