Mô tả
Cuốn sách “Người Việt với biển” là kết quả nghiên cứu nằm trong định hướng phát triển lâu dài của các thành viên Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu Á do GS.TS. Nguyễn Văn Kim thành lập và trực tiếp phụ trách. Nhóm được xây dựng từ năm 1999 với những thành viên chủ chốt hiện đều đang công tác hoặc đã có thời gian học tập, làm việc và gắn bó với Bộ môn Lịch sử Toàn cầu, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cuốn sách được mở đầu cùng việc trở về những huyền thoại thời lập quốc mang đậm dấu ấn của biển khơi, từ đó góp phần làm sáng tỏ truyền thống khai thác biển, tư duy hướng biển, năng lực phát huy tiềm năng kinh tế, văn hóa biển của các cộng đồng dân cư ở các vùng duyên hải, biển đảo của Tổ Quốc.
Bằng cách tiếp cận vùng, liên vùng; chuyên ngành kết hợp với liên ngành, vai trò và vị thế biển của Việt Nam trong hệ thống giao thương khu vực châu Á và thế giới được nhìn nhận, phân tích từ nhiều góc độ, chiều cạnh khác nhau. Cuốn sách đã khái quát tác động của kinh tế ngoại thương, mối liên hệ kinh tế giữa các không gian kinh tế: miền Nam với miền Bắc, miền ngược với miền xuôi.., qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm của quá khứ, kinh nghiệm ứng xử với môi trường chính trị, kinh tế khu vực, với các thế lực đại dương… Đây là những vấn đề có ý nghĩa thiết thực với chúng ta hiện nay trong việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam. Qua 24 chuyên luận, “Người Việt với biển” sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích đối với sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, đông đảo các nhà nghiên cứu cùng bạn đọc.
Giá trị và ý nghĩa của cuốn sách được cụ thể hóa thông qua 3 phần nội dung chính:
Phần 1: Truyền thống và tư duy hướng biển của người Việt
Phần 2: Vị trí thương mại biển và quan hệ giao thương
Phần 3: Ý thức chủ quyền an ninh, kinh tế biển