Mô tả
Đầu thế kỷ XX, tròn 100 năm lưu hành trong nhân thế, sức hút “Truyện Kiều” càng mạnh mẽ, dần được giới trí thức tinh hoa Tân học mến mộ, ca tụng như giá trị truyền thống nuôi dưỡng tâm hồn và bản sắc Việt Nam. Thân phận người dân mất nước càng thúc đẩy khao khát tìm về với “Truyện Kiều” để đồng cảm thân phận, khơi lại niềm tự hào dân tộc bị chìm sâu dưới ách thống trị thực dân, nhận ra giá trị trường tồn của tiếng Việt, ý nghĩa bất diệt của quốc văn, cội nguồn tình yêu nước nồng nàn ấp ủ trong tình yêu thương con người sâu sắc. “Truyện Kiều” là tiếng mẹ đẻ của người Việt, gắn chặt với vận mệnh dân tộc, là biểu tượng của ngôn ngữ Việt Nam, được các trí thức tôn vinh, coi là hồn của đất nước. Phong trào lẩy Kiều, vịnh Kiều, họa Kiều, dịch và chú giải Kiều rầm rộ chưa từng thấy.
Trong lễ kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Du năm 1924, Phạm Quỳnh khẳng định: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn!”. Hay Nguyễn Văn Vĩnh lại nhìn sâu hơn vào sức mạnh của giá trị nhân bản và tinh thần nhân ái của “Truyện Kiều”. Trong Lời Tựa bản dịch “Kim Vân Kiều” từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ năm 1915, ông Vĩnh viết: “Ví trong nước Nam ta, mà bao nhiêu người ngâm “Truyện Kiều”, hiểu được cả “Truyện Kiều”, thì thực là một nước biết yêu, biết thương nhau, biết sống làm người một cách êm ái quá”.
Mở màn cho Tủ sách Di Sản Việt Nam, MaiHaBooks trân trọng giới thiệu tới độc giả ấn phẩm “Kim Vân Kiều” tái bản trên bản in đặc biệt năm 1951. Phong cách trình bày và ấn loát mỹ lệ, trang hoàng của lần in năm 1951 được chúng tôi tôn trọng nhằm dành tặng bạn đọc một ấn phẩm mỹ thuật của “Truyện Kiều”.
Người ta thường nói “Sách đẹp để tô điểm hoa văn, tranh đẹp để tượng hình thi nhạc”, tác phẩm thơ ca kinh điển của nền văn học Việt Nam được MaiHaBooks tái bản có điều gì khác biệt, hãy cùng chờ đón tiếp nhé!