Mô tả
Năm 2023 là một năm đặc biệt đối với Việt Nam và Nhật Bản khi nó đánh dấu tròn 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong nửa thế kỷ đó, ngành Nhật Bản học tại Việt Nam cũng từng bước được hình thành và bắt đầu phát triển với số lượng và chất lượng công trình nghiên cứu ngày càng nâng cao của các học giả trong nước. Và điển hình trong đó là những công trình nghiên cứu chuyên sâu của GS.TS. Nguyễn Văn Kim – chuyên gia hàng đầu về Nhật Bản học ở Việt Nam hiện nay.
Trong bối cảnh mối quan hệ cấp nhà nước giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ngày càng “nồng ấm” hơn, MaiHaBooks xin được trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc ấn phẩm tái bản lần thứ nhất “CHÍNH SÁCH ĐÓNG CỬA CỦA NHẬT BẢN THỜI KỲ TOKUGAWA – NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ QUẢ” của GS.TS. Nguyễn Văn Kim với những số liệu, dẫn giải và nội dung mới mẻ, chặt chẽ hơn so với lần xuất bản đầu tiên.
Sakoku – Chính sách “tỏa quốc”/đóng cửa là một chủ đề nghiên cứu lớn về Nhật Bản xuyên suốt trong lịch sử của quốc gia này. Diễn ra trong hai thế kỷ (1639-1853) bởi Mạc phủ Edo, thế nhưng lại gây ra nhiều tranh cãi bởi tính phù hợp và tác động của nó đến nền kinh tế – chính trị của Nhật Bản. Tuy nhiên, trong tình hình chung của khu vực và xu thế văn hóa nội địa, liệu rằng Sakoku trong thời kỳ Tokugawa có thật sự là tiêu cực? Khi mà chính ngay sau đó Nhật Bản đã cải cách đất nước thành công trong thời đại Minh Trị. Liệu rằng chính sách tỏa quốc là một tiền đề căn bản để góp phần tạo dựng nền móng đất nước cho cuộc đại cải cách ở thời kỳ sau đó?
Những câu hỏi trên bạn đều sẽ được giải đáp trong ấn phẩm này của tác giả Nguyễn Văn Kim. Với những luận giải sâu sắc, những góc nhìn đa chiều về một Nhật Bản có nhiều biến động, cuốn sách không chỉ giúp bạn đọc thấu hiểu hơn về xứ Phù Tang, mà qua thông qua đó bạn cũng có thể nhận biết những đặc điểm chung cùng sự phát triển đặc thù của các nước phương Đông.