Description
Từ lâu nay, chủ nghĩa tư bản và vấn đề thực dân hóa luôn là một trong những vấn đề nghiên cứu quan trọng của ngành Lịch sử và nhiều ngành khoa học liên quan khác. Trong đó, việc nghiên cứu về các chế độ cấp nhượng đất để các cô lông (thực dân) lập đồn điền thì luôn là một đề tài nóng hổi nhưng khó khăn và phức tạp khiến nhiều người còn dè chừng.
Lý do là bởi để có thể nghiên cứu được, trước hết là phải khai thác gần như toàn bộ các tài liệu lưu trữ liên quan. Những tài liệu này, từ sau khi kết thúc chế độ thuộc địa, được lưu giữ một phần ở Pháp và một phần ở Việt Nam. Các tài liệu thuộc các fonds Chính phủ Đông Dương (Gouvernement Général de l’Indochine) và Thống sứ Bắc Kỳ (Résident supérieur du Tonkin), một phần được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I Hà Nội và phần lớn được lưu giữ tại Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại, Cộng hòa Pháp (ANOM). Chỉ có nhờ những thỏa thuận hợp tác Pháp – Việt mới có thể cho phép một nhà nghiên cứu có thể tiến hành công việc dài hơi vừa ở Hà Nội, vừa ở Aix en Provence.
Đó chính là điều mà PGS.TS Tạ Thị Thúy đã làm như một tấm gương với một cố gắng rất lớn bởi khối các hồ sơ cần phải khai thác rất khổng lồ và yêu cầu một sự làm việc tỉ mỉ, công phu mới có thể thu được những con số chính xác cuối cùng. Chất lượng của công trình này đã cho phép tác giả của nó được nhận danh hiệu Tiến sĩ Sử học với hạng xuất sắc nhất kèm với lời khen của Hội đồng chuyên gia (Mention très Honorable avec Félicitation du jury) do Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales de Paris (EHESS) tổ chức ra.
“Đồn điền của người Pháp ở Bắc Kỳ từ 1884 đến 1918” là một minh chứng chắc chắn về sự phê phán mang tính chất lịch sử cho độ chính xác của những thông tin mang tính chất con số và yêu cầu phải sử dụng một cách cẩn trọng những thông tin đó.
Công trình này đưa đến một câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản được đặt ra về kết quả của công cuộc thực dân hóa rằng: Phải chăng nó đã mang đến một sự tiến bộ về kinh tế? Về nông nghiệp ở Bắc Kỳ, câu trả lời rất rõ ràng là: Không. Về cơ bản, các cô lông thực dân người Pháp lại bằng lòng với việc trồng lúa bằng chế độ Tá điền và không đem đến một tiến bộ nào về kỹ thuật. Hơn nữa, các cô lông đó, đại bộ phận không phải là các nhà trồng trọt. Họ không chăm lo đến việc “khai thác” những diện tích thường là rất lớn mà họ đã nhận được từ chính quyền. Công trình này chỉ ra sự một sự chênh lệch rất lớn giữa diện tích được cấp nhượng và diện tích được khai thác. Như vậy, trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, hành động thực dân hóa đã không khiến cho nông nghiệp Bắc Kỳ có những tiến bộ quyết định.