Mô tả
Cuốn sách với tên gọi khá dài: “Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của một số nhà cải cách ở khu vực Đông Á nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX” là công trình được xuất bản trên cơ sở hiệu chỉnh và phát triển từ Luận án Tiến sĩ của nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Dũng với chủ đề chính bàn về vấn đề quyền lợi quốc gia trong tư tưởng của một số nhà cải cách Đông Á thời cận đại là Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản), Mongkut (Siam – Thái Lan), Lý Hồng Chương (Trung Quốc) và Nguyễn Trường Tộ (Việt Nam).
Vấn đề chủ quyền và lợi ích quốc gia luôn là đề tài được giới nghiên cứu sử học quan tâm. Từ cuối thế kỷ XIX đến suốt thế kỷ XX, các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc đã diễn ra sôi nổi và quyết liệt, từ đó đặt ra nhiều suy nghĩ về mặt lý luận cũng như thực tiễn.
Ở cuốn sách này, học giả trẻ Nguyễn Tiến Dũng đã rất mạnh dạn khi tiếp cận vấn đề nghiên cứu dựa trên một hệ thống lý thuyết liên ngành lịch sử, chính trị và quan hệ quốc tế. Học giả Nguyễn Tiến Dũng, trên tinh thần đổi mới, khai phóng, đã trình bày vấn đề với một tư duy khoa học, lập luận logic, văn phong mạch lạc nhưng vẫn gần gũi, giản dị và chân thực.
Trong lời đề tựa cuốn sách, PGS.TS.NGƯT. Nguyễn Thừa Hỷ đã viết: “Tác giả là TS. Nguyễn Tiến Dũng, một nhà giáo kiêm nhà nghiên cứu trẻ, năng động nghiêm túc, có tinh thần khai phóng đổi mới, phong cách tư duy hiện đại. Ở Việt Nam ngày nay, những người ở tuổi 35 như tác giả, đều được (bị) coi là trẻ! Trong khi trên thế giới cũng như ở Việt Nam trước đây, đã có nhiều gương mặt chính trị và văn hóa nổi tiếng ở độ tuổi 30. Bản thân Nguyễn Trường Tộ khi viết điều trần gửi vua cũng chỉ mới 33 tuổi.”