4 ĐIỀU VỀ TÍN NGƯỠNG THÀNH HOÀNG TẠI VIỆT NAM CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Thờ Thành hoàng làng là một tín ngưỡng lâu đời của người Việt Nam. Thành hoàng là vị thần gắn với ngôi đình làng, được người dân làng thờ phụng với nhiều ý nghĩa, mong muốn khác nhau. Xoay quanh tín ngưỡng lâu đời này, cuốn sách “Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam” sẽ mang tới nhiều điều thú vị mà có thể bạn chưa biết.
“Tín ngưỡng Thành hoàng” thực chất là một từ Hán Việt
Tín ngưỡng Thành hoàng thuộc ngôn ngữ văn tự Trung Quốc cổ đại được Việt hóa về âm đọc cũng như nội hàm. Thực chất, vốn từ hội thuần Việt không có Thần, Thánh, Tiên, Phật, Ma, Quỷ, Hồn, Phách, Cúng, Tế, Lễ, Tín ngưỡng, Tôn giáo, Mê tín,.. Vì vậy, đây là một phạm trù ngoại lai, nhưng lại mang một nội hàm bản địa Việt không hoàn toàn giống nguyên bản. Việc vay mượn ngôn từ và khái niệm ngoại quốc đầy sáng tạo này đã từng khiến nhiều nhà nghiên cứu trong và người nước coi văn hóa Việt như một bản sao thu nhỏ hay đơn giản hóa của Trung Quốc.
Thần điện nguyên thủy của người Việt là Cây đa – Hòn đá thiêng
Ở Việt Nam, thần điện thường gặp nhất là Phật điện. Làng nào cũng có chùa, chùa ắt có Phật điện. Vậy trước khi những tôn giáo ngoại lai như đạo Phật, đạo Bàlamôn du nhập, thần điện Việt như thế nào?
Thần điện nguyên thủy của người Việt là Cây đa – Hòn đá thiêng. Làng nào cũng có những cây cổ thụ lâu đời thường là cây đa. Người dân thường đặt ở đó những vật thiêng như ông táo, bình vôi, hòn đá,… Cả cây và hòn đá đều là vật thiêng. Hình thức thần điện này khá phổ biến trước năm 1945. Trong quá trình tiếp xúc và du nhập các tôn giáo ngoại lai, thần điện đã thay đổi hình dạng, nhưng bản chất của tín ngưỡng phồn thực vẫn không thay đổi. Có thể hiểu, thờ Thành hoàng cũng là biểu hiện của tín ngưỡng này.
Sơn Tinh trong khái niệm của Trung Quốc khác với nội hàm Việt
Trong khái niệm của Trung Quốc, Sơn Tinh là một con thú hình người to lớn, mặt đen, thân mình đầy lông và bàn chân lộn ngược gót chân ra trước. Đó là một trong ba loại thú quỷ trong núi, không phải thần. Như vậy, Sơn Tinh trong quan niệm của Trung Quốc là quỷ.
Khi con người chết đi, linh hồn rời khỏi xác thịt là quỷ. Có nhiều định nghĩa về quỷ, có thể là một loài thú hiểm ác, có thể là tổ tiên, có thể là tinh linh.
Xét theo ảnh hưởng của Khổng Tử, người Việt cho rằng quỷ là tổ tiên, là tinh linh của vạn vật. Dù người Trung Quốc định nghĩa thế nào, theo nội hàm Việt Sơn Tinh – Thủy Tinh là hai sức mạnh thiên nhiên đối kháng. Tản Viên Sơn Thánh không phải quỷ, thần hay tinh linh mà là một con người bất tử đầy tài năng đức độ, hay còn gọi là Thánh, được tôn lên làm Thành hoàng và được thờ phụng.
Sơn Tinh được phong Thánh, vậy còn Thủy Tinh thì sao?
Mặc dù Sơn Tinh được sắc phong Thành hoàng và được thờ phụng, nhưng Thủy Tinh với tư cách là đối thủ của Sơn Tinh lại không có mặt trong các thần có thần tích. Tuy nhiên, có một vị thần tên Thủy Tinh công chúa đồng âm với vị này nhưng chữ viết và ngữ nghĩa khác. Vị thần này được phong Thành hoàng trại Thịnh Quang, huyện Quảng Đức, quận Phụng Thiên nay là quận Đống Đa, Hà Nội.
Theo thần tích, đây là một tiên nữ giáng trần, vua Lê Thánh Tông gặp ở Hồ Tây thành Thăng Long, kết duyên châu trần được năm năm thì quay về trời. Có thể Ngọc Thủy Tinh công chúa với việc ngâm vịnh ở Hồ Tây là một dị bản Liễu Hạnh.
Trong cuốn sách “Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam”, rất nhiều câu chuyện, bí ẩn về tín ngưỡng xa xưa này được bàn luận. Nhiều điển tích, điển cố, phép so sánh chứng minh và giả thiết được đặt ra để giúp người đọc hiểu rõ hơn về Thành hoàng. Những tư liệu lịch sử trong cuốn sách chắc chắn sẽ mang tới cho bạn đọc những kiến thức thú vị, những điều khó giải thích về tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng của người Việt Nam.